728x90 AdSpace

22/11/2024

Xuyên không về thời kháng chiến chống quân Tống lần 2: Thuần Khanh, người vợ ít được nhắc đến của danh tướng Lý Thường Kiệt


Lý Thường Kiệt vốn không mang họ Lý hay người trong hoàng tộc, mà ông thuộc họ Ngô.

Họ Lý là “quốc tính” ông được vua Lý ban cho. Nguồn tư liệu văn bia tại đền thờ Lý Thường Kiệt, cạnh chùa Linh Xứng (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) do Nhữ Bá Sỹ soạn lời cho biết: Ông tên húy là Tuấn, “Thường Kiệt” chỉ là tên tự. Theo tác giả văn bia: “có lẽ ngày xuất thân mới dùng tự làm tên” (1).

Cổng đền thờ Lý Thường Kiệt tại xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Về mối quan hệ dòng họ giữa Ngô Quyền và Lý Thường Kiệt, trên báo Nhân dân chủ nhật, tác giả Tảo Trang đưa ra ý kiến: “Lý Thường Kiệt dòng dõi Ngô Quyền”, đến đời thứ chín (2), khi Thường Kiệt vào cung đình nhà Lý, dòng họ Ngô được triều Lý dành cho nhiều sự nể trọng. Trong triều Lý, họ Ngô được bổ dụng chức vụ khá cao, tiêu biểu là bố của Hoàng hậu Ngô Thượng được phong Thượng tướng. Theo gia phả họ Ngô (3), nếu tính từ viễn tổ Ngô Ngọc Đại, người châu Ái (Thanh Hóa) ở thế kỷ VII thì người anh hùng có công “phá Tống bình Chiêm” thuộc đời thứ 9 họ Ngô, cháu 5 đời Ngô Quyền, cháu 3 đời sứ quân Ngô Xương Xí.

Gia phả họ Ngô cho biết thêm: Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, Ngô Ích Vệ được vị vua khai sáng vương triều Lý ban chức võ quan nên đã đem gia đình từ xứ Thanh ra Thăng Long sinh sống.

Về gia thế Lý Thường Kiệt, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong cuốn Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao Tông giáo thời Lý cho biết: cha Lý Thường Kiệt tên An Ngữ, sung chức Sùng ban lang tướng, ở triều Lý. Theo Giáo sư Hoàng, có thể “Sùng ban và lang tướng là hàm lang tướng thuộc ban sùng chăng?”.

Khoảng năm niên hiệu Thiên Thành, đời Lý Thái Tông, An Ngữ được vương triều Lý cử đi tuần biên ở Tượng châu thuộc Thanh Hóa, bị bệnh và mất vào năm Tân Mùi (1031). Địa danh Tượng châu ở miền núi Thanh Hóa đến nay chưa xác định được. Huyện Thạch Thành - Thanh Hóa hiện nay có xã Thạch Tượng nhưng không có tài liệu nào khẳng định mối quan hệ giữa Thạch Tượng và Tượng châu.

Theo Nhữ Bá Sỹ: mẹ Lý Thường Kiệt họ Hàn, năm 20 tuổi sinh Thường Kiệt (Thuận Thiên thứ 10, tức năm 1019 đời vua Lý Thái Tổ), sau đó sinh ra Thường Hiến. Bà mất năm Thường Kiệt 18 tuổi (1038). Mẹ Thường Kiệt có một người cô. Chồng người cô này tên là Tạ Đức. Các tài liệu không cho biết thêm về bà cô này nhưng đã hé lộ những thông tin về Tạ Đức: “thường đến thăm và an ủi Thường Kiệt”, “khuyên học chữ nho” sau khi bố ông mất (4).

Văn bia tại đền thờ Lý Thường Kiệt tại xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Các tài liệu ghi chép về Lý Thường Kiệt không đề cập nhiều đến thê tử của ông. Chuyện Lý Thường Kiệt “tự yểm” (hoạn) phải chăng là nguyên nhân chính khiến các sử gia đời sau không dành nhiều công sức làm sáng tỏ tên tuổi vợ Lý Thường Kiệt - chỉ chú trọng đến công lao “phá Tống bình Chiêm” của ông? Theo các nguồn tài liệu hiện có thì sự kiện Lý Thường Kiệt vào cung và “tự yểm” diễn ra khi ông 23 tuổi. Bởi vậy, hôn nhân của Lý Thường Kiệt chỉ có thể diễn ra trước khi ông vào cung (năm 1043)

Nhữ Bá Sỹ, Hoàng Xuân Hãn đề cập đến vấn đề này một cách khá dè dặt và thống nhất ở chi tiết: vợ Lý Thường Kiệt là Thuần Khanh, cháu Tạ Đức. Nhữ Bá Sỹ cho biết: chồng của người cô ruột Lý Thường Kiệt là Tạ Đức rất quan tâm đến ông nên “lớn lên ông Đức khuyên lấy cháu là Tạ Thuần Khanh” (5). Tác giả Hoàng Xuân Hãn theo tư liệu của Nhữ Bá Sỹ cũng khẳng định: Tạ Đức khen Lý Thường Kiệt là người có chí khí “bèn gả cháu gái là Thuần Khanh cho ông” (6).

Việc Nhữ Bá Sỹ và Hoàng Xuân Hãn không đề cập đến con của Lý Thường Kiệt nhiều khả năng do ông không có người nối dõi. Theo lẽ thông thường, sau khi Lý Thường Kiệt qua đời, “tước hầu” và ân sủng “hưởng lộc vạn hộ ở vùng đất Việt Thường” sẽ được truyền cho con trai hay chí ít con Lý Thường Kiệt cũng được nhà nước quân chủ đương thời trọng dụng, song người thừa hưởng ân sủng này lại là em trai ông - căn cứ vào chi tiết vua Lý cho Thường Hiến “nối tước hầu”.

Nguồn sử liệu gia phả mới phát hiện ở Thanh Hóa đã cho biết thêm thông tin về vợ con Lý Thường Kiệt: ông có nhiều vợ. Gia phả họ Ngô cho biết: Lý Thường Kiệt đã lấy vợ năm 16 tuổi (năm 1036, trước lúc mẹ ông mất 2 năm), 16 tuổi sinh con, không may chết cả mẹ và con. Về sau, Lý Thường Kiệt lấy vợ khác, một bà họ Tạ (tức Tạ Thị Thuần Khanh), một bà họ Lý, tên là Lý Thị Duy Mỹ. Bà Lý Thị Duy Mỹ sinh Ngô Khảo Tích, Ngô Thị Duyên Lương, Ngô Thị Mỹ Lương. Ngô Khảo Tích sau này làm trấn thủ Ái Châu (có thể có sự nhầm lẫn việc Lý Thường Kiệt làm trấn thủ Ái châu với việc Ngô Khảo Tích làm trấn thủ Ái châu (7). Tuy nhiên, gia phả cũng ghi chú rằng: có sách nói ba người này không phải con của Thường Kiệt mà là con của Thường Hiến?

Ngai thờ

Chúng tôi chưa phát hiện được tài liệu về quê quán của bà Lý Thị Duy Mỹ, cũng như việc xác định bà nào là vợ cả (?) bà nào là vợ lẽ (?); song đã có thêm tài liệu về đền thờ và sắc phong của triều Nguyễn đối với đền thờ bà họ Tạ ở Thanh Hóa tại thôn Điền, xã A Đô (nay là xã Yên Trung) huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Tài liệu truyền ngôn cho biết: đền thờ có từ lâu đời, được tu sửa nhiều lần; đến thời Nguyễn, ngôi đền vẫn còn rất khang trang, bề thế; được dân trong vùng hương khói quanh năm. Đền thờ bà nằm trong hệ thống đền thờ các vị trọng thần thời Lý được xây dựng trên địa bàn xã A Đô xưa. Đền được các vương triều phong sắc nhưng các sắc phong đều thất lạc.

Hiện tại, có 2 sắc phong ghi niên đại thời “mạt Nguyễn”. Sắc phong thứ nhất năm Khải Định thứ hai (1918), sắc phong còn lại có niên đại Khải Định năm thứ chín (1925) cho đền thờ bà Tạ Thị Thuần Khanh “vợ của Thái bảo Việt quốc công Lý Thường Kiệt triều nhà Lý”.

Sắc phong thứ nhất được ban khi vua Khải Định 40 tuổi.

Phiên âm chữ Hán:

“Sắc Thanh Hóa tỉnh, Yên Định huyện, A Đô xã, Điền thôn tòng tiền phụng sự nguyên tặng: Dực bảo, Trung hưng, Linh phù, Lý triều Thái bảo Việt Quốc công chính phu nhân Tạ thị hiệu Thuần Khanh tôn thần. Hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kính ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Trứ gia tặng Trang vi thượng đẳng thần. Đặt chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển, khâm tai.

Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật”.

Dịch nghĩa:

“Sắc cho thôn Điền, xã A Đô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa theo như lệ trước phụng thờ bà họ Tạ, tên hiệu là Thuần Khanh, là vợ của quan Thái bảo triều Lý, được ban tước Việt Quốc Công (Lý Thường Kiệt) với các mỹ tự Dực bảo, Trung hưng, Linh phù... Đã có công giúp nước, hộ dân, nỗi niềm nghiệm thấy linh ứng. Gặp các kỳ tiết lễ đội ơn ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ.

Nay vừa đúng vua 40 tuổi làm lễ khánh tiết vâng mang chiếu báu ân sâu lễ rộng thăng lên một bậc, lại gia tặng thêm mỹ tự: Trang vi thượng đẳng thần. Đặc biệt, cho phép phụng thờ, dùng theo lễ quốc khánh mà phương pháp tế tự dõi theo phép điển xưa. Vâng sắc.

Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1925)” (8).

Sắc phong thứ hai khẳng định: chính phu nhân Tạ Thị Thuần Khanh là vợ của Thái bảo Việt quốc công Lý Thường Kiệt thời Lý được triều đình cho phép thôn A Đô phụng thờ:

Phiên âm chữ Hán:

Sắc Thanh Hóa tỉnh, Yên Định huyện, A Đô xã, Điền thôn phụng sự Lý triều Tháo bảo vệ quốc công Chinh phu nhân Tạ Thị Thuần Khanh tôn thần. Nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phỉ thừa cảnh mệnh diên niệm thần hưu trứ phong vi Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần. Chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã Lê dân, khâm tai.

Khải Định nhị niên, tam nguyệt, thập bát nhật.

Dịch nghĩa:

“Sắc cho thôn Điền, xã A Đô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa phụng thờ Chính phu nhân Tạ Thị Thuần Khanh là vợ của Thái bảo Việt quốc công Lý Thường Kiệt triều nhà Lý, nỗi niềm nghiệm thấy linh ứng. Tới nay vua đội ơn nối trải mệnh sáng đất nước, nhớ về công lao của thần trước đây, gia phong thêm mỹ tự là bậc Dực Bảo Trung Hưng Linh phù. Cho phép phụng thờ theo từng năm để thần ngầm giúp bảo hộ dân ta. Vâng sắc.

Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định thứ 2 (1918)”

Trong “Bảng danh mục di tích lịch sử văn hóa huyện Yên Định”, tại xã A Đô xưa, nay là Yên Trung, đã thống kê các di tích lịch sử ở xã Yên Trung trong đó có:

- Đền thờ Lý Thường Kiệt.

- Nghè Thọ Lập (thờ phu nhân Lý Thường Kiệt).

Như vậy, có thể khẳng định, tại Yên Trung có hai địa điểm thờ: Đền thờ Lý Thường Kiệt và đền thờ phu nhân Lý Thường Kiệt. Đền thờ Lý Thường Kiệt được xây dựng riêng, có sắc phong riêng cho đền. Địa điểm thờ phu nhân Lý Thường Kiệt hiện trong Nghè Thọ Lập.

Tóm lại, qua những nghiên cứu mới vừa nêu trên đây, chúng ta thấy được rõ ràng hơn về thân thế và gia tộc của vị anh hùng "phá Tống bình Chiêm" lẫy lừng trong lịch sử. Đó những mảnh ghép rất đời thường vốn bị che mờ đi bởi những chiến công hiển hách của Lý Thường Kiệt, mà nay với cách tiếp cận mới trên quan điểm lịch sử toàn diện, hậu thế có được cái nhìn gần gũi về một trong những nhân vật quan trọng nhất của lịch sử trung đại Việt Nam.

(Bảo tàng lịch sử quốc gia)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đầu trang