728x90 AdSpace

29/11/2024

Về nơi gắn bó với tuổi thơ của Bà Triệu (anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh)

Yên Định nằm ở phía tây bắc thành phố Thanh Hóa, thuộc vùng đồng bằng trung du – bán sơn địa, kẹp giữa lưu vực sông Mã và sông Cầu Chày. Đồng bằng Yên Định được cấu tạo bởi phù sa trải ra trên một bề rộng hơi nghiêng về phía đông nam, còn rìa tây bắc là các dải đất cao được cấu tạo bằng lớp phù sa cổ của 2 sông nói trên. Những đồi núi sót lại có độ cao trung bình vài trăm mét, hợp nên từ các đá phún trào, đá vôi, cát kết và đá phiến. Xa xưa, Yên Định được bao phủ bởi những cánh rừng rậm rạp, với lim ở Định Tăng, đinh ở Định Tường, rù rì ở Yên Phong cùng nhiều cánh rừng khác trải khắp vùng Yên Thọ, Yên Lạc, Định Hòa, Định Bình, Định Thành... Ngày nay, rừng tự nhiên hầu như không còn, thay vào đó là những vùng đất trồng tre, luồng, đất trồng cây lâm nghiệp theo dự án, chủ yếu trên đất dốc, cồn, bãi ven sông, hồ, đầm, hón, sông cụt.

Từ xưa, địa bàn huyện Yên Định ngày nay thuộc các huyện Từ Phố và Võ Biên thuộc quận Cửu Chân, sau đó đổi tên thành các huyện Quân An và Ninh Duy. Thời thuộc Đường, các huyện hợp lại thành huyện Quân Ninh. Đến thời Đại Việt tự chủ, huyện được gọi là An Định rồi Yên Định. Trải qua nhiều năm lịch sử, tính đến 2024, Yên Định có 4 thị trấn: Quán Lào (huyện lỵ), Quý Lộc, Thống Nhất, Yên Lâm; và 21 xã: Định Bình, Định Công, Định Hải, Định Hòa, Định Hưng, Định Liên, Định Long, Định Tân, Định Tăng, Định Thành, Định Tiến, Yên Hùng, Yên Ninh, Yên Phong, Yên Phú, Yên Tâm, Yên Thái, Yên Thịnh, Yên Thọ, Yên Trung, Yên Trường.

*

Trong đó, miền núi Quan Yên thuộc làng Quan Yên (hay còn gọi là Yên Thôn) của xã Định Tiến, là nơi Bà Triệu ra đời, ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (tức ngày 8/11/226). Câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, khí phách anh hùng của người con gái Quan Yên được lưu truyền từ đời này, qua đời khác, trở thành huyền tích của quê hương. Từ xa xưa, bên bờ sông Mã, tại làng Quan Yên đã có một ngôi đền do nhân dân trong vùng xây nên để tưởng nhớ công đức của bà. Năm tháng trôi qua, bao biến cố, thăng trầm, ngôi đền xưa nay chỉ còn lại vết tích là những tảng đá vùi mình trong cát. Về sau, Bà được nhân dân phối thờ tại Đền Trúc, tức đền thờ Thành Hoàng làng ngự trên núi Quan Yên, hướng nhìn ra dòng sông Mã.

Sinh ra, lớn lên gặp cảnh đô hộ của phong kiến phương bắc, với ý chí muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở Biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, Triệu Thị Trinh cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt xây dựng căn cứ, phất cờ khởi nghĩa. Từ vùng núi Ngàn nưa, Triệu Thị Trinh lãnh đạo nghĩa quân phát triển vùng giải phóng xuống đồng bằng, đánh chiếm lỵ sở Tư Phố của Cửu Chân, làm chủ tới vùng duyên hải Thanh Hóa, đồng thời hợp quân với ba anh em họ Lý ở Bồ Điền mở rộng vùng giải phóng ra phía bắc, xây dựng tuyến phòng thủ từ vùng căn cứ Bồ Điền đến cửa biển Thần Phù, thuộc huyện Nga Sơn ngày nay.

Nhà Ngô lo sợ điều động 8.000 quân tinh nhuệ do Lục Dận chỉ huy đàn áp cuộc khởi nghĩa và đã diễn ra khoảng 30 trận đánh ở tuyến phòng thủ phía bắc sông Lèn. Tương quan lực lượng chênh lệch, giặc dùng kế bẩn, mưu hèn, Triệu Thị Trinh cùng nghĩa quân đánh trận quyết chiến và người nữ Anh hùng đã hy sinh khi vừa tròn 23 tuổi tại núi Tùng, nay thuộc thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Khởi nghĩa Bà Triệu là dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đỉnh cao của phong trào chống ách đô hộ phong kiến phương bắc, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân. Hàng năm, vào ngày 21/2 âm lịch – ngày mất của Bà Triệu, làng Quan Yên lại tổ chức rước kiệu, tế lễ, bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn và sự hy sinh dũng cảm của Bà trong cuộc chiến chống quân Ngô xâm lược.

*

Yên Định là một vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Nơi đây gắn với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng và nhiều di tích, lễ hội đặc sắc. Toàn huyện hiện có 49 di tích được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh các di tích, huyện Yên Định có 21 lễ hội truyền thống được gìn giữ và tổ chức thường xuyên. Trong đó, có nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa và giá trị lịch sử như: lễ hội Trò Chiềng, lễ hội đền Đồng Cổ, lễ hội đền Hổ Bái, lễ hội Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang,...

Yên Định - một điểm đến tuyệt vời nằm tại Thanh Hoá, hứa hẹn mang đến cho bạn những trải nghiệm du lịch đáng nhớ. Yên Định - Thanh Hóa không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những tín đồ ẩm thực. Với vùng đất đa dạng và phong phú, Yên Định đem đến cho du khách những đặc sản độc đáo và hấp dẫn. Một trong những đặc sản đáng chú ý ở Yên Định là bánh răng bừa, bánh gai, mắm cáy, chè lam phủ quảng,... Yên Định - một điểm du lịch độc đáo tại Thanh Hóa, đem đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời với sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp và những di tích lịch sử văn hóa.

- Khám phá 247 -

Xứ Thanh, vùng đất “địa linh nhân kiệt” với rất nhiều chiến tích lịch sử, nơi đây còn có cảnh vật thiên nhiên khá đa dạng, độc đáo. Vì vậy, Thanh Hóa luôn thu hút một lượng đông đảo khách du lịch hằng năm. Ngoài ra, những món ăn đặc sản tại xứ Thanh cũng là yếu tố tạo nên sự thu hút với khách du lịch khi đến đây, một số đặc sản của Thanh Hóa vẫn được du khách nhắc đến như: Nem chua, nước mắm Ba Làng, Mắm tép, chè Lam Phủ Quảng, chẻo nhệch, canh lá đắng, nem nướng, bánh cuốn, bánh gai Tứ Trụ,...

Ẩm thực Thanh Hóa mang một vẻ rất riêng và đặc trưng, cũng vì vậy mà các món ăn tại đây luôn được yêu thích bởi du khách khi ghé thăm. Dù là những món ăn đơn giản nhưng lại đủ hấp dẫn người ăn ngay từ lần thử đầu tiên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đầu trang