Nguyễn Thị Duệ, có tài liệu ghi là hay Nguyễn Thị Du hay Diệu Huyền, hoặc Nguyễn Thị Ngọc Toàn,sinh ngày 14/3/1574, người ở Kiệt Đặc (nay là phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). B là một nữ danh sĩ Việt Nam vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, là nữ Tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Khoa bảng Việt Nam.
Bà là người tuyệt sắc, lại rất thông minh, 10 tuổi đã biết làm văn bài nên được nhiều nhà quyền quý đến xin hỏi cưới, nhưng gia đình không thuận. Năm 1592, chúa Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm kinh đô Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Thị Duệ cùng gia đình đi theo.
Là một người hiếu học, song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để dự việc đèn sách. Tương truyền, khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1594) bà mang tên giả là Nguyễn Du đi thi và đỗ đầu khi tuổi vừa 20. Đến khi mở yến tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ dáng vẻ mảnh mai, mặt mày thanh tú... nên sinh lòng ngờ vực, gạn hỏi và khám phá ra bà là gái giả trai. Bà cải trang đi thi như thế là phạm tội khi quân, nhưng vua Mạc không những không trừng phạt mà còn khen ngợi bà.
Sau đó, vua nhà Mạc vời bà vào cung để dạy các phi tần, rồi được tuyển làm phi: Tinh Phi (Sao Sa) ngụ ý khen bà vừa xinh đẹp vừa sáng láng như một vì sao. Người ta quen gọi là "Bà Chúa Sao".
Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Nguyễn Thị Duệ vào rừng ẩn náu, bị quân lính bắt được. Mến tài, chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học trong vương phủ. Năm 70 tuổi, Nguyễn Thị Duệ xin về nghỉ nơi quê nhà.
Bà qua đời ngày 8/11/1654, hưởng thọ 81 tuổi. Khi bà mất, người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm phúc thần.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét