Hồ Quý Ly (1336 – 1407), lấy tên húy Hồ Nhất Nguyên, là vị hoàng đế đầu tiên của nhà nước Đại Ngu trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi vị Hoàng đế từ năm 1400 đến năm 1401 tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, sau đó giữ ngôi Thái thượng hoàng từ năm 1401 đến năm 1407. Thời niên thiếu, Hồ Quý Ly theo học võ, gia nhập chốn quan trường triều Trần sau khi đỗ thi Hương, khoa Hoành từ. Hồ Quý Ly có hai người cô ruột là vợ của vua Trần Minh Tông, một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông còn người kia sinh ra Trần Duệ Tông, do đó ông được sự tín nhiệm khi Trần Nghệ Tông lên làm vua. Năm 1372, ông được phong làm Tham mưu quân sự. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành bị tử trận, Hồ Quý Ly kinh hãi, bỏ chạy về trước, nhưng vẫn được tha tội. Năm 1380, Hồ Quý Ly làm Thống lĩnh quân Đại Việt để chống lại các đợt tấn công của Chiêm Thành. Năm 1387, ông được phong làm Tể tướng. Từ đó, ông có quyền lực gần như tuyệt đối trong triều, các tông tộc, quan lại trung thành với họ Trần đã có 2 lần chính biến nhằm lật đổ sự thống trị của Quý Ly nhưng ông đều giành chiến thắng và đã có nhiều người bị hành quyết sau đó. Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, chưa được 1 năm trao ngôi cho con và làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm đại quyền. Hồ Quý Ly đã đề ra những cải cách về hành chính, kinh tế, quân sự và đã chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Mười tháng sau khi lên ngôi, ông đã phát binh thảo phạt Chiêm Thành, qua hai lần phát binh, chiếm được hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy (1402). Năm sau (1403), ông còn cho đại quân bao vây Đồ Bàn nhưng không thắng. Đến năm 1406, nhà Minh đưa quân xâm lược Đại Ngu. Do không được lòng dân, binh sỹ bất mãn nên quân nhà Hồ thất bại nhanh chóng, lui dần về phía nam và thất bại toàn cục năm 1407 khi cha con Hồ Quý Ly đều bị quân Minh bắt và giải về Trung Quốc.
Trong Kiên biều tập của Chử Nhân Hoạch soạn đời nhà Thanh có chép một chuyện về Hồ Quý Ly, được Lê Quý Đôn dẫn lại trong Kiến văn tiểu lục, rằng:
Giao Chỉ quốc vương, nguyên là họ Trần. Lúc ấy có người ở Giang Tây là Lê Quý Ly, khi còn bé sang nước ấy buôn bán. Lúc lên bờ, thấy trên bãi cát có câu rằng: Quảng Hàn cung lý nhất chi mai (Một cành mai trong cung Quảng Hàn). Sau, Quý Ly mon men được làm quan. Một hôm Trần vương nghỉ mát ở Thanh Thử điện, sân điện có hàng ngàn cây quế, nhà vua ra câu đối rằng: Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế (Ngàn gốc quế trước điện Thanh Thử). Bầy tôi chưa ai kịp đối. Quý Ly nhớ lại câu đã trông thấy trên bãi cát khi trước, liền đem câu ấy đối lại. Nhà vua giật mình, nói: "Sao nhà ngươi biết được việc trong cung của ta?". Quý Ly cứ tình thực tâu bày. Nhà vua nói: "Đấy là số trời". Bởi vì nhà vua có một con gái tên là Nhất Chi Mai, dựng cung Quảng Hàn để cho ở. Nhân câu đối ấy, nhà vua liền đem gả cho Quý Ly.
Sự tích này tương đối nổi tiếng ở thời điểm Việt Nam hiện đại, song lại không phổ biến ở thời xưa và có nhiều mâu thuẫn lịch sử. Dựa vào việc Quý Ly có vợ là Huy Ninh công chúa, nên nhiều người đem "Nhất chi mai" trong truyền thuyết gán vào bà, song Huy Ninh được anh là Trần Nghệ Tông gả sau khi diệt Dương Nhật Lễ, tức Huy Ninh là vai "em gái" của vua Trần, mà không phải "con gái" như trong sự tích nói đến. Lê Quý Đôn khi chép lại chuyện này cũng có đề "Chuyện này có phần kỳ lạ", theo đó cũng cho thấy đây không những hư cấu, mà đối với người Việt đời Lê khi ấy cũng chưa từng nghe qua, cho nên mới "lạ" như vậy.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét