728x90 AdSpace

07/09/2024

New York Times và ảnh về chiến tranh VN

Tờ New York Times (Mỹ) nhận định, những bức ảnh "đắt giá" về chiến tranh Việt Nam là "những bức ảnh gọi tên thời đại”.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc từ nửa thế kỷ trước, vậy người Mỹ còn nhớ gì về cuộc chiến này?

Một trong số những hình ảnh mà người dân Mỹ có ấn tượng mạnh nhất là hình ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trên phố hay tấm ảnh chụp em bé Napalm Kim Phúc 9 tuổi bị bỏng nặng vừa chạy vừa khóc và trên người không mảnh vải che thân khiến ai nhìn thấy cũng quặn lòng.

Có lẽ những bức ảnh về chiến trường Việt Nam chìm trong máu lửa xuất hiện nhiều hơn là những thước phim. Đi kèm với đó là những nhiếp ảnh gia chiến trường người Mỹ thành danh với các tác phẩm lột tả cuộc chiến đau thương và đẫm máu ở Việt Nam. Trong đó, 3 cái tên nổi bật nhất phải kể đến Malcolm Browne, Eddie Adams hay Nick Ut. Họ là những “cây đại thụ” trong giới nhiếp ảnh báo chí, đặc biệt là nhiếp ảnh thời chiến. Vào tháng 10 tới đây, hãng tin AP sẽ xuất bản những bức ảnh xuất sắc của các nhiếp ảnh gia chiến trường này trong một cuốn sách ảnh mang tên “Vietnam: The Real War” (Việt Nam - cuộc chiến thực sự), với lời giới thiệu của Pete Hamill.

Cụ thể, trong bối cảnh kỷ niệm một loạt các hoạt động nhằm tưởng nhớ đến một thời chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, AP chọn lọc từ hơn 25.000 bức ảnh chụp tại Việt Nam để lấy ra 250 bức hình ấn tượng nhất làm thành cuốn sách ảnh.

Ngoài bộ ba nhiếp ảnh gia nổi tiếng Malcolm Browne, Eddie Adams hay Nick Ut, hãng AP còn chọn ra những tác phẩm ấn tượng khác mà mọi người hầu như chưa từng biết đến sự tồn tại của chúng. Từ đó, AP hy vọng sẽ mang đến cho công chúng một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam.

Trong số 250 bức ảnh ấn tượng nhất về Việt Nam, AP đã không chọn những hình ảnh xuất sắc, nổi tiếng mà mọi người đều biết làm ảnh bìa. Thay vào đó, họ chọn hình ảnh những lính nhảy dù Mỹ bị thương đang ẩn náu trong một khu rừng gần Huế vào tháng 4/1968 của nhiếp ảnh gia Art Greenspon. Trong đó, nhân vật trung tâm của bức ảnh là một người lính giơ hai tay lên cao để ra hiệu, hướng dẫn một chiếc trực thăng hạ cánh. Đôi tay của người lính giống như đang cầu nguyện sớm thoát khỏi nơi này.

Có thể nói, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã làm thay đổi tư duy của những người làm nhiếp ảnh báo chí. Đây là cuộc chiến đầu tiên mà các phóng viên chiến trường được đi cùng quân đội để chụp ảnh mà không hề bị kiểm duyệt nội dung tác nghiệp và những gì đăng tải trên mặt báo. Đó là yếu tố đã làm nổi bật tính trung thực và trung lập của báo chí hiện đại.

Trưởng văn phòng đại diện của AP tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1970 - 1973, ông Richard Pyle cho hay: “Việt Nam là nơi giới nhiếp ảnh được phát huy khả năng tác nghiệp của mình mà không bị ai hay điều gì giới hạn, bó buộc”.

“Những bức ảnh có giá trị hơn những hình ảnh chuyển động từng xuất hiện trên truyền hình bởi chúng đi sâu vào ký ức của chúng ta”, Susan Sontag đã viết như vậy trong cuốn sách mang tên “On Photography”.

Nhiều chuyên gia báo chí hiện nay cho rằng, sẽ không bao giờ còn được thấy lại "thời hoàng kim" mà phóng viên được đi cùng quân đội và tự do chụp ảnh, đưa tin như trước. Những gì mà một thế hệ phóng viên Mỹ từng thực hiện tại Việt Nam chính là thời hoàng kim của dòng nhiếp ảnh chiến trường.

“Nếu người Mỹ biết nhiều hơn về cuộc chiến tranh chống Pháp mà người Việt Nam đã tiến hành cũng như biết nhiều hơn về việc quân Pháp đã bế tắc thế nào trong những nỗ lực vô vọng nhằm duy trì chế độ thuộc địa tại Việt Nam, có lẽ người Mỹ đã không phạm phải sai lầm lớn trong lịch sử đó là đưa quân sang tham chiến tại Việt Nam”, phóng viên Seymour - người đầu tiên được AP cử sang Việt Nam tác nghiệp chia sẻ.

Cũng trong cuốn “Vietnam: The Real War”, AP còn tiết lộ nhiều câu chuyện chưa từng công bố. Điển hình là câu chuyện về nhiếp ảnh gia Malcolm Browne và bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Khi gửi bức ảnh này về cho tòa soạn, ông đã gửi kèm một bức điện với nội dung: “Mỹ sẽ không thể đảo ngược tình thế ở Việt Nam”, đồng thời so sánh những nỗ lực cứu vãn tình thế của Mỹ giống như “để những đứa con nít bước vào chuồng hổ nhưng lại cố tin rằng chúng sẽ kiểm soát được con hổ”.

Câu chuyện về bức ảnh em bé Napalm của Nick Ut cũng có hành trình khá gian nan. Cụ thể, khi ông gửi bức ảnh về cho tòa soạn, ban đầu bức ảnh không được duyệt nhưng chính nhiếp ảnh gia Horst Faas đã cố gắng thuyết phục tòa soạn đăng nó. Tới năm 1973, bức ảnh đau thương này đã giành giải thưởng Pulitzer. Khi Kim Phúc được Nick Ut và những người khác cứu sống, cô bé đã gọi nhiếp ảnh gia người Mỹ với cái tên thân thương là chú Nick.

Theo Tâm Anh (dịch từ New York Times)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đầu trang